Kiến trúc Đông Dương – Nghệ thuật và Văn hóa

Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là “một công trường lớn” theo nhận định của nhà sử học Pháp Philippe Papin. Những công trình đồ sộ đậm nét phương Tây phục vụ bộ máy hành chính Pháp là “cách phô trương uy thế để duy trì sự kiểm soát người dân bị đô hộ”.

Phong cách “Kiến trúc Đông Dương”

Sở tài chính Đông Dương (trụ sở Bộ Ngoại Giao ngày nay)

Phong cách kiến trúc Đông Dương là phong cách hỗn hợp, còn được gọi là phong cách triết trung Âu – Á, trong đó không chỉ có chi tiết kiến trúc của ba nước Đông Dương mà có cả chi tiết kiến trúc Trung Quốc, do KTS Ernest Hébrard đặt nền móng và phát triển. Lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ phương Đông, những công trình được Hébrard tạo ra vừa mang nét phương Tây, vừa mang nét truyền thống bản địa nhằm thích nghi với khí hậu địa phương nhờ hiên nhà hay mái vươn dài.

Nhận diện phong cách “Kiến trúc Đông Dương”

Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Giải pháp kiến trúc: Áp dụng các giải pháp thông thoáng, cách nhiệt để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới như bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình. Trên phần tường sát trần thường bố trí các lam gió để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Đa số các công trình được bố trí thêm các sân trong, giếng trời để tăng sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên.

Kỹ thuật và vật liệu xây dựng: Sử dụng rộng rãi kỹ thuật và liệu xây dựng mới như hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, khung thép tiền chế, sành sứ nhiều màu, ngói ardoise (đá xám chẻ), gạch caro. Các phương tiện kỹ thuật mới khá tiên tiến được áp dụng như: cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn.

Mái: Sử dụng mái bằng (đối với các công trình lớn) hoặc mái lợp ngói (đối với các công trình nhỏ hơn). Mái ngói thường nhô ra xa để che nắng mưa, có bố trí các “khu đi” để tạo sự thông thoáng cho phấn bên trong. Xuất hiện các sênô thu nước mưa chạy dọc theo mái. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và các góc cong của mái.

Cửa: Bố trí nhiều cửa trên tường công trình. Cửa sổ cao, mở rộng để tăng sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Các công trình sử dụng phổ biến kiểu cửa lá sách, đảm bảo được sự thông gió tự nhiên cho không gian bên trong ngay cả trong lúc đóng. Cửa sổ không chỉ được bố trí trên tường công trình, mà còn được bố trí phía ngoài hành lang, đặc biệt là hành lang ở những phía chịu sáng trực tiếp của mặt trời.

Trang trí: Sử dụng rộng rãi các mô típ trang trí với màu sắc, kiểu dáng đa dạng.

Phong cách “Kiến trúc Đông Dương” – Nghệ thuật và văn hóa

Trường Petrus Ký – Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong (1927)

Như vậy, sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa và cảnh quan kiến trúc nói chung. Sự hòa quyện đặc sắc giữa hai nền văn hóa Đông – Tây từ chỗ khác biệt đã tạo ra được một thẩm mỹ mới, một phong cách mới làm thỏa mãn mọi quan điểm mỹ thuật. Với luồng hơi thở Đông Dương mạnh mẽ như vậy, những công trình mang phong cách kiến trúc đặc trưng này đã khắc họa nên tổng quan bức tranh lịch sử mang đậm giá trị văn hóa, giá trị dân tộc, giá trị nghệ thuật và giá trị con người.

Nguồn: Tổng hợp